Phụ huynh "nặng gánh" với các khoản thu đầu năm.

CHÚNG TÔI LÀM TỪ TRÁI TIM

Hotline:

0935 22 7989
icon_gh 0
Phụ huynh "nặng gánh" với các khoản thu đầu năm.
Ngày đăng: 19/09/2022 08:13 AM

     

    Sau ngày khai giảng, nhiều trường học bắt đầu rục rịch họp phụ huynh. Nhiều khoản được nhà trường thu dồn một lần đầu năm khiến phụ huynh "đau đầu". 

    Mua sắm kiểu "bia kèm lạc"

    Năm nay con chị Lan Anh lên lớp 7 ở một trường công lập tại Hà Nội. Trong cuộc họp phụ huynh vừa qua, nhìn tổng các khoản thu đầu năm khiến chị hoa cả mắt.

    Cụ thể trước hè, con chị đóng một gói gần 3 triệu đồng gồm tiền đồng phục và sách giáo khoa (SGK).

    Mới qua khai giảng được một tuần, lớp con chị họp phụ huynh và qua liệt kê danh sách các khoản phải đóng đầu năm cho thấy lên đến hơn 4 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền quỹ lớp.

    Theo lý giải của chị Lan Anh, khi các con nhận khóa phòng thì đó là phòng học trống, điều hòa cũ đã bị gỡ đi vì đó là tài sản của lớp cũ.

    Phụ huynh nặng gánh với các khoản thu đầu năm - 1

    Bộ SGK chính khóa lớp 6 của một học sinh ở Hà Nội (Ảnh: HN).

    Do vậy, phụ huynh lớp mới phải đóng quỹ để mua sắm điều hòa mới, tủ giáo viên, cây lọc nước (dù đã đóng tiền nước tinh khiết), mic, rèm cửa, sơn lại tường… Tài sản này sẽ dùng từ nay cho đến khi các con tốt nghiệp cấp 2.

    "Chúng tôi chọn trường công lập bởi có mức chi vừa phải, phù hợp với thu nhập. Điều hòa dùng vài ba năm vẫn có thể sử dụng tốt, không nhất thiết phải gỡ đi để yêu cầu phụ huynh phải đóng mua mới từ đầu. Các loại tủ giáo viên, mic… để giảng dạy, phụ huynh cũng phải đóng tiền mua sắm thì tôi thấy không hợp lý", chị Lan Anh bức xúc nói.

    Cũng là phụ huynh trường này, chị Nguyễn Hạnh cho biết, con chị năm nay vừa lên lớp 6. 

    Khi mua SGK đầu năm, nhà trường chỉ hỏi có đăng kí SGK không nhưng không nói rõ.

    Đến khi nhận sách về, chị thấy ngoài danh mục SGK chính khóa, còn có thêm danh sách một loạt SGK bổ trợ trong khi gia đình chị không cần các cuốn đó.

    "Chỉ hơn 150k cho mấy cuốn sách bổ trợ nhưng điều chúng tôi không hài lòng là nhà trường không nói rõ ngay từ đầu việc có đăng kí mua sách bổ trợ hay không để phụ huynh biết. Đến khi nhận sách thì lại "bia kèm cả lạc", chị Hạnh cho hay.

    Cũng theo chị Hạnh, chị cũng phải đóng tiền quỹ lớp 2 triệu đồng/năm, chưa kể 1 triệu đồng tiền cơ sở vật chất, cùng các khoản đồng phục và SGK trong hè là gần 7 triệu đồng. 

    Mới đây, một phụ huynh ở Trường Thực nghiệm phản ánh về việc với danh nghĩa tự nguyện, ban phụ huynh nhiều lớp tại đây đứng ra kêu gọi thu tiền lên đến hơn 3 triệu/năm, trong đó nhiều khoản chi quà cho thầy cô, Ban giám hiệu,... các ngày lễ, tết.  

    Phụ huynh nặng gánh với các khoản thu đầu năm - 2

    Liệt kê một số khoản thu đầu năm của một học sinh lớp 7 tại Hà Nội (Ảnh: HN).

    Trước phản ánh của phụ huynh, nhà trường cho biết, hiện đơn vị này đã ngưng ngay việc thu và yêu cầu các lớp tổ chức họp phụ huynh để thống nhất về các khoản thu.

    Trước đó, trên mạng xã hội, tài khoản V.T.H đã đăng tải bảng kê danh mục đồng phục của học sinh một Trường THCS (Hà Nội) với tổng số tiền lên đến gần 2 triệu đồng.

    Theo danh mục được đăng tải, học sinh phải mua rất nhiều loại đồng phục khác nhau, bao gồm: Một bộ sơ mi dài, một bộ sơ mi cộc, một bộ thể dục dài, một bộ thể dục cộc, một áo khoác, một áo hoodie, tất. Tổng số tiền phụ huynh phải đóng là 1.850.000 đồng.

    Mặc dù nhà trường lý giải, bảng giá đồng phục này là để phụ huynh tham khảo và đăng ký mua tùy vào khả năng tài chính của gia đình, không có chuyện trường ép buộc phụ huynh chi gần 2 triệu đồng mua đồng phục cho con em nhưng theo một số ý kiến, khi nhà trường "vẽ" ra như vậy, mỗi ngày kỷ niệm gì đó, lớp hô mặc một trong số loại đồng phục kia thì phụ huynh biết kiếm đâu ra. Vậy nên nói tự nguyện nhưng không ai dám không mua. 

    Phụ huynh nặng gánh với các khoản thu đầu năm - 3

    Bộ SGK bổ trợ mà phụ huynh phải mua kèm (Ảnh: HN).

    Hội phụ huynh hay "phụ thu"

    Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan Anh cho biết, lớp con chị có tổng 48 học sinh. Như vậy tiền quỹ lớp đã lên đến gần 100 triệu/năm.

    Trong các khoản chi, chị thấy gần một nửa chi cho quà biếu giáo viên, Ban giám hiệu vào các ngày lễ tết như 20/10, 20/11, 8/3, Tết Nguyên đán, quà tặng giáo viên đầu năm học, quà tặng cuối năm học, nộp quỹ khối, quỹ trường…

    "Khi thấy một số khoản thu chưa hợp lý, tôi nhắn tin riêng để trao đổi với Hội trưởng hội phụ huynh xem có cần thiết điều chỉnh không.

    Thế nhưng không hiểu sao vài ngày sau, con gái tôi về tâm sự, mẹ làm con ngại với bạn bè vì phản đối hội phụ huynh vẽ ra nhiều khoản thu vô lý. Các bạn xì xèo sau lưng làm con thấy khó chịu.

    Nghe tâm sự của con, tôi ứa nước mắt. Phụ huynh chúng ta luôn phản đối thương mại hóa giáo dục, sao bây giờ lại tự làm khổ nhau thế này. Thương con nhưng tôi không thể im lặng bởi thấy vô lý quá", chị Lan Anh nói.

    Chị Lan Anh và chị Hạnh cho biết, gia đình các chị đều có hai con. Do đều thuộc địa bàn phải bốc thăm để vào mầm non nên một đứa lớn các chị cho học trường công lập còn đứa bé phải học mầm non ngoài công lập. 

    Tổng cộng các khoản thu đầu năm của cả hai con, cộng cả đồng phục, sách vở cũng lên đến 12-13 triệu đồng tùy từng trường. 

    Trở lại câu chuyện quỹ lớp "khủng" mà phụ huynh không dám nói gì, cách đây vài năm, PV Báo Dân trí từng phản ánh câu chuyện của một phụ huynh tại Hà Nội bị "tẩy chay" vì phản đối quỹ lớp.

    Ngay sau khi nhận được những lời lẽ khó nghe từ hội trưởng Hội phụ huynh lớp, phụ huynh này bị "đá" ra khỏi nhóm chat chung chỉ vì có ý kiến ngược lại với số đông khi phản đối các khoản thu chi chưa phù hợp.

    Ngay sau khi câu chuyện Hội phụ huynh Trường thực nghiệm kêu gọi thu quỹ được đưa ra công luận, chị Tuyết Anh, một phụ huynh có con từng học ở đây cũng cho hay, chị cũng từng phải đóng tiền quỹ lớp lên đến gần 3 triệu đồng nhưng cũng như nhiều phụ huynh khác, chị không dám phản đối vì sẽ bị kì thị, xì xèo bàn tán.

    Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), hầu như năm nào sau khi khai giảng cũng có nhiều ý kiến bức xúc từ phía phụ huynh về việc thu chi.

    Thầy giáo này cho rằng, cần có cơ chế thu chi công khai, minh bạch hơn ở các trường phổ thông công lập.

    Tránh trường hợp những khoản thu phát sinh nhưng không được công khai và không có sự thỏa thuận với phụ huynh khiến bức xúc dồn nén, tạo ra khó xử giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline Mua hàng

    0935 22 7989

    Hotline CSKH

    0903 888 369